Những tháng đầu năm, sau lập xuân thời tiết ấm, khí hậu diễn biến thất thường, hay có đợt mưa dông đầu mùa, độ ẩm không khí tăng cao, nguồn thức ăn dự trữ khan hiếm làm ảnh hưởng tới sức khỏe đàn vật nuôi
Do đặc thù khí hậu chuyển mùa từ xuân sang hè, nên gia súc ,gia cầm hay mắc các bệnh về đường hô hấp và đường ruột tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh lây lan như : Dịch tả, Phó Thương hàn, Tai xanh đối với lợn; Tụ huyết trùng, LMLM đối với Trâu bò; H5N1 đối với gia cầm,....
Đặc biệt trước và sau tết Nguyên đán số lượng gia súc, gia cầm tiêu thụ và tái đàn tăng cao, khó kiểm soát đó là nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ mầm bệnh tồn tại và phát tán ra môi trường;
Mặt khác, do quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán trong các khu dân cư, tỷ lệ tiêm phòng thấp cùng tâm lý chủ quan của người dân, người chăn nuôi về công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trong dịp trước và sau Tết;
- Vì vậy, để chủ động phòng chống dịch bệnh xảy ra, hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi trong giai đoạn chuyển mùa xuân - hè, các địa phương cũng như người chăn nuôi cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
1:Thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết và thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh đến tận thôn, xóm để người chăn nuôi chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
2:Phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan, chính quyền địa phương cấp xã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, loa phát thanh của xã về tính chất, tác hại và các biện pháp phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc gia cầm như bệnh LMLM, Tai xanh, Dịch tả, Cúm gia cầm,... để người chăn nuôi chủ động phòng chống.
- Tăng cường kiểm dịch gia súc, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y động vật, sản phẩm động vật lưu thông trên địa bàn; Định hướng người tiêu dùng sử dụng thực phẩm có nguồn gốc động vật đã qua kiểm dịch, sản phẩm động vật an toàn vệ sinh thực phẩm;
- Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh xảy ra trên đàn vật nuôi:
Giao việc giám sát dịch bệnh cho chính quyền cấp xã, thú y cơ sở, người chăn nuôi nhằm phát hiện dịch bệnh sớm, báo cáo kịp thời để có biện pháp xử lý, ngăn chặn dịch bệnh lây lan
3:Đối với người chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học:
Sửa chữa, che chắn chuồng trại để ngăn mưa, tránh gió lùa, đảm bảo nền chuồng luôn khô ráo; dự phòng các vật liệu (bạt, bao tải, chăn cũ, phên…) để gặp khi mưa rào, dông gió chuyển mùa thì tiến hành che chắn chuồng nuôi và phủ ấm cho gia súc.Những ngày nhiệt độ tăng cao bất thường cần dãn đàn để đảm bảo mật độ nuôi cho phù hợp. Trước khi nuôi đàn mới phải vệ sinh tiêu độc khử trùng và để trống chuồng ít nhất 15 - 20 ngày.
- Đối với vật nuôi tái đàn, phải đảm bảo chỉ nhập giống rõ nguồn gốc, xuất xứ, có chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y. Nhập giống bổ sung cần nuôi cách ly 2-3 tuần để theo dõi bệnh, đảm bảo giống khỏe mạnh mới cho nhập đàn.
- Cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống cho vật nuôi.
- Đảm bảo vệ sinh sạch sẽ máng ăn, máng uống cho đàn gia súc gia cầm;
- Bổ sung thuốc phòng bệnh, thuốc tăng sức đề kháng cho gia súc gia cầm trong những ngày thời tiết thay đổi thất thường, khi xuất nhập, chuyển đàn;
- Thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, xử lý chất thải chăn bằng các biện pháp như bể Biogas, thu gom phân rác để ủ phân theo phương pháp nhiệt sinh học, xử lý chất thải bằng đệm lót sinh học để tiêu diệt mầm bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường;
- Thực hiện tiêm phòng bổ sung cho số gia súc, gia cầm chưa tiêm phòng vào vụ Thu - đông 2012, đảm bảo phải tiêm phòng triệt để 100% số lượng vật nuôi trong diện phải tiêm phòng. Chú trọng tiêm phòng các loại vắc xin như THT, LMLM, Dịch tả lợn, Cúm gia cầm... theo đúng quy định thú y để phòng chống và hạn chế dịch bệnh xảy ra;
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm có hiệu quả, ngoài trách nhiệm của người chăn nuôi, của ngành Thú y, các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm, nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học góp phần đưa ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển bền vững./.