Chăn nuôi nông hộ phát triển theo hướng nào đây?

21-02-2017 16:56

Dự báo của các nhà kinh tế, chăn nuôi nhỏ lẻ nhất là gia cầm tại các nông hộ sẽ... biến mất. Người nông dân cũng không mặn mà với đàn gà vài chục con trong vườn nữa. Nhưng bước chân ra thị trường thì thông tin hình như lại trái ngược. Người tiêu dùng vẫn luôn hướng tới quả trứng, con gà nuôi thả vườn. Có cung ắt có cầu, tại sao lại đánh giá nghề nuôi gia cầm nông hộ ở Việt Nam bế tắc?

Chuyện cọc đi tìm trâu

Đợt giữa năm, tôi đến Tiên Yên (Quảng Ninh) tìm hiểu về việc nuôi gà đặc sản ở đây. Chờ cả buổi mới được gặp cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện, không phải họ kiêu mà bận. Một sự bận bất thường, đi lùng mua 300 con gà cho một doanh nghiệp làm quà thưởng cho nhân viên. Mấy trăm con gà, con số “muỗi” giữa vùng nuôi gà truyền thống, nhưng đó là sự thật. Anh Phó phòng phụ trách chăn nuôi thanh minh: “Mỗi nhà nuôi chỉ chừng hai trăm con, đa phần là hàng đặt, số hộ có thì gà... chưa đủ tuổi”. Con gà như anh chọn, phải đúng về hình thức là giống Tiên Yên, trọng lượng trên dưới 3 kg, nuôi đủ 12 tháng tuổi, giá 200 ngàn đồng/kg, đắt gấp 2,5 lần gà thường. Hỏi anh sao không thông qua đại lý hay ra chợ, anh lắc đầu: “Không yên tâm được, doanh nghiệp nhờ tụi mình vì họ biết mình hiểu được vùng nuôi, có vậy mới chắc”, anh cười rồi nói: “Giá cao chót vót mà vẫn phải... mò mẫm, đúng kiểu cọc đi tìm trâu”.

Chuyện bán gà ở Đông Tảo (huyện Khoái Châu – Hưng Yên) cũng vậy, khách phải tìm đến mua, có khi đặt trước cả nửa năm, rồi tự chở về bằng xe máy, xe con, cả máy bay nữa. Cũng con gà ấy đưa đi nơi khác bán, đố được 2/3  giá tại chuồng nuôi. Những người nuôi gà đặc sản ở Tiên Yên cũng cho biết giá bán ở nhà bao giờ cũng cao hơn chợ 15 - 20%. Quả trứng gà ri bây giờ cũng vậy, gặp mà mua ở nhà đến 6 ngàn đồng/quả, đắt gấp đôi cái cũng gọi là trứng gà ta bán chợ mà trọng lượng quả trứng gà ri thì chắc chỉ nhỉnh hơn ½ quả trứng “gà ta” ấy.

Ông Nguyễn Xuân Thành 76 tuổi ở thôn Đồng Tâm, xã Yên Than (huyện Tiên Yên - Quảng Ninh) cho biết, ông nuôi gà đã thành nghề, mỗi năm bán chừng 200 con, lãi khoảng 40 triệu, không nhỏ nhưng vất vả quanh năm. Để nuôi được đàn gà ấy cần khu vườn rộng trên 2 ngàn mét vuông, sạch sẽ, đông ấm hè mát... Tính ra thu nhập mỗi tháng cũng chỉ trên 3 triệu đồng. Nếu tính với những người nuôi gà ri hay gà ta thật lấy trứng theo kiểu ngày xưa... đẻ ổ, công nuôi không cao. Đúng là đắt cũng phải. Không ít người chọn mua đắt con gà, quả trứng đúng chất quê hơn là mua rẻ mà nhiều. Khốn nỗi tìm được mua theo cung cách cọc đi tìm trâu... mệt lắm.

Chữ “khôn” bẻ ghi cung - cầu.

Hội nhập thị trường quốc tế, nông nghiệp Việt Nam lao đao toàn phần, trong đó chăn nuôi là ngành bị tấn công dữ dội nhất từ thức ăn, con giống, kỹ thuật, giá cả..., cái gì cũng hướng cái thiệt về người nông dân. Con gà, quả trứng quen thuộc nhất với người nông dân bị tấn công và chiếm lĩnh khủng khiếp nhất. Nếu chỉ nhìn qua các con số kinh tế: Giá thành, số lượng, chuỗi tiêu thụ... thì chăn nuôi gia cầm theo kiểu gia đình đúng là “chết không kịp... ngáp”.

Nhưng thực tế cuộc sống không phụ thuộc hoàn toàn tính toán của các nhà kinh tế vĩ mô. Miếng ăn phụ thuộc vào cái miệng của người tiêu dùng. Dân ta vẫn thích ăn con gà, quả trứng nuôi theo kiểu truyền thống. Có những phân tích nói dân Việt chưa biết ăn nên vẫn theo những thị hiếu... vớ vẩn, khác người. Mình không AQ nhưng mình thấy thị hiếu ẩm thực của người Việt có phần tinh tế hơn. Hãy xem cách nuôi gà truyền thống với gà nuôi công nghiệp thấy những điểm khác rất cơ bản: Thời gian nuôi, mức độ vận động của con gà, nguồn thức ăn tự nhiên phong phú... Con gà nuôi truyền thống phải từ 250 đến 300 ngày mới có thể đủ tuổi để ăn, trong khi gà nuôi công nghiệp 60 - 70 ngày tuổi đã... đủ chất lượng. Hiển nhiên sự thành thục trong con vật nuôi thì nuôi kiểu truyền thống ở một đẳng cấp khác về chất.

chăn nuôi nông hộ - chăn nuôi

Con gà, quả trứng quê... luôn được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn      Ảnh: Xuân Trường

 

Nhu cầu của người tiêu dùng không sai. Khả năng đáp ứng xét về mặt giá cả cũng thỏa mãn yêu cầu của người sản xuất. Vậy tại sao sản xuất không phát triển. Tại sao người mua cứ phải “săn lùng” người bán. Tại sao người chăn nuôi không thể nuôi và bán được khi nhu cầu thị trường về loại hàng hóa này là mênh mông. Có một điều trong các tính toán vĩ mô không xét đến được là “tính khôn” của người Việt. Cái tính khôn ở đây phải nói thẳng là từ “khôn lỏi”.

Đầu tiên từ khâu lưu thông. Khoản chênh khổng lồ về giá thành, giá bán giữa con gà, quả trứng nuôi truyền thống với nuôi công nghiệp, bán công nghiệp kích thích mọi “sáng tạo” của giới thương nhân để giành cho được nó. Kể từ việc nhập gà đẻ thải loại từ Trung Quốc, ướp tẩm thay màu thịt, trứng để có sản phẩm hàng hóa giống như của nông dân. Sau lưu thông đến chính những người chăn nuôi cũng phát huy sáng tạo để có những con gà quả trứng “nhái” với gà ta. Từ việc chọn giống có những con gà nuôi công nghiệp nhưng có hình thức giống con gà dân thích ăn. Đến cách nuôi giai đoạn đầu theo kiểu công nghiệp đến sau “thả” để có “tố chất” gà nuôi tự nhiên. Đến cả những giống gà cho trứng có hình thái nhỏ nhỏ, be bé như trứng gà ta.

Mỗi người một tý, mỗi khâu một tý, hợp lại thành ma trận lừa người tiêu dùng và... “quyết” diệt nghề nuôi gà truyền thống.

 

Internet và các liên kết

Có cầu ắt có cung. Trong sự hỗn loạn của thị trường hiện nay chúng ta cũng đã thấy xuất hiện nhiều dạng cửa hàng, siêu thị “trung thực”. Xu thế truy nguyên xuất xứ sản phẩm thực phẩm đang nổi lên như một sự đối phó với những gian lận thương mại, đặc biệt dạng sản phẩm nhái. Đó cũng là điều đáng mừng, cũng là khẳng định “thượng đế” không thể chấp nhận mãi bị lừa. Trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi nông hộ mà thông dụng nhất là gia cầm nuôi theo phương thức truyền thống, rõ ràng người nuôi đã đặt mình vào thế sản xuất và tiêu thụ hàng đặc sản. Cần kênh tiêu thụ riêng, trong đó có sự đặc biệt theo kiểu “cọc đi tìm trâu”. Vấn đề là trâu cần “nghé ọ” to hơn, nhiều hơn để cọc dễ định vị mà tìm đến. Xưa thì khó nay thực tế không khó, sự phát triển của mạng internet đã hoàn toàn khắc phục khó khăn này. Kinh doanh qua mạng ở các đô thị đã là một lĩnh vực không mới và cũng thu hút rất nhiều người tham gia. Trong đó có cả những người thành công nhờ bán các nông sản “đặc biệt” như gà quê, trứng quê, rau vườn nhà... Thực tế kết nối mạng cũng không quá khó khăn gì với người nông dân để tự mình giới thiệu và bán sản phẩm. Một phương thức rất rẻ tiền và hoàn toàn khả thi với hầu hết nông dân.

Một vấn đề nữa là liên kết, xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Nếu nói về các tổ chức liên kết trong sản xuất nông nghiệp chúng ta đã có rất nhiều: Hợp tác xã, tổ liên kết, câu lạc bộ sở thích... Không thể thiếu những mô hình này nhưng điều quan trọng nhất đó phải là những liên kết thực chất, xuất phát từ nhu cầu sản xuất kinh doanh chứ không phải là những liên kết phong trào.       

>>  Xét về điều kiện nông thôn nước ta nhất là các khu vực trung du miền núi, các vùng cây ăn quả, cây công nghiệp... đầy tiềm năng để kết hợp chăn nuôi gia cầm theo phương thức cổ truyền có giá trị và giá cả rất cao và người dân luôn luôn hào hứng đón nhận.

Bình chọn tin tức: (5.0 / 1 đánh giá)

Tin tức liên quan

HAPPY WOMENS DAY

HAPPY WOMENS DAY

CHÚC MỪNG NGÀY 8-3

Xem tiếp
Chăn nuôi khi thời tiết chuyển mùa

Chăn nuôi khi thời tiết chuyển mùa

Phòng bệnh khi chuyển mùa xuân - hè

Xem tiếp
Chứng nhận gia cầm an toàn

Chứng nhận gia cầm an toàn

Chứng nhận gia cầm an toàn: Phao cứu sinh chăn nuôi

Xem tiếp
Gà nghe nhạc!!!

Gà nghe nhạc!!!

Nuôi gà bằng âm nhạc.

Xem tiếp
Công nghệ sinh học

Công nghệ sinh học

Tác dụng của men vi sinh vật trong BIO LAC

Xem tiếp
Chăn nuôi gà

Chăn nuôi gà

NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI NUÔI GÀ CON Ở TUẦN ĐẦU

Xem tiếp
CÔNG TY CỔ PHẦN CÔNG NGHỆ SINH HỌC DƯỢC PHẨM XANH
GREEN BIOTECHNOLOGY PHARMACEUTICAL., JSC - BIOPHARMA
Add: 11/64/26- Phan Dinh Giot str.-Phuong Liet ward- Thanh Xuan dist.- Ha Noi city-
Tel: +84 2466 809 831*Hotline: +84 912 906 486*Email: mkt.biopharma@gmail.com*Website: biopharma.com.vn

 

 
 

  Hotline: 02466809831