Phát triển chăn nuôi ngày càng tăng, áp lực dịch bệnh và ô nhiễm môi trường ngày càng lớn. Việc sử dụng quá nhiều hóa chất, kháng sinh trong chăn nuôi ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và ngành chăn nuôi kém bền vững.
Bài học sử dụng chất kích thích tạo nạc trong chăn nuôi heo gây hậu quả nghiêm trọng khi thiệt hại ước tính 2.000 tỷ đồng, người tiêu dùng quay lưng. Để phát triển bền vững ngành chăn nuôi, nhất thiết phải chăn nuôi kiểu mới, trong đó có áp dụng chế phẩm sinh học, các loại thảo dược...
PGS.TS. Lâm Minh Thuận (Khoa Chăn nuôi Thú y, ĐH Nông Lâm) lưu ý, trong chăn nuôi việc sử dụng kháng sinh cần thiết, tuy nhiên, sử dụng kháng sinh không đúng làm ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người, phát sinh vi sinh vật lờn thuốc, tồn dư kháng sinh trong thịt và trứng. Việt Nam có nhiều loại thảo dược quý ứng dụng trong chăn nuôi, qua các nghiên cứu cho thấy gừng, nghệ và tỏi có tác dụng tốt trong chăn nuôi, có thể thay thế kháng sinh phòng và trị bệnh. Kết quả thử nghiệm cho thấy, chế phẩm từ tỏi, nghệ, gừng làm tăng khả năng chuyển hóa thức ăn, giúp hấp thu tốt thức ăn, tiêu tốn thức ăn cho 10 quả trứng giảm thấp hơn so với không bổ sung là 55 - 65 g (tiết kiệm 55 - 65 g thức ăn) với mức bổ sung 4 g chế phẩm/kg thức ăn. Còn theo PGS.TS. Nguyễn Khắc Tuấn (ĐH Nông nghiệp 1, Hà Nội) thì trong khẩu phần thức ăn chăn nuôi hiện nay, tỷ lệ các chất bột như cám gạo, bắp, khoai mì… chiếm tới 80%, nếu thành phần này không được làm chín thì chăn nuôi sẽ kém hiệu quả vì thức ăn không được tiêu hóa tốt dẫn đến tiêu tốn và chi phí thức ăn lớn. Các động vật nuôi như heo, gia cầm, cá… cũng giống như con người, chỉ tiêu hóa, hấp thu tốt thức ăn khi được làm chín. Hiện nay, có loại men vi sinh dùng lên men thức ăn (men vi sinh hoạt tính) giúp làm chín thức ăn mà không phải đun nấu giúp vật nuôi sinh trưởng, tăng trọng tốt, giảm tiêu tốn thức ăn. Có thể sử dụng nguồn thức ăn sẵn có, giá rẻ để chăn nuôi thay vì sử dụng thức ăn hỗn hợp, giảm tỷ lệ mắc bệnh, ít ô nhiễm do phân giảm mùi thối.
Từ thực tế chăn nuôi tại địa phương, KS. Nguyễn Tấn Lộc (Trạm Khuyến nông Đồng Nai) cho biết, các chế phẩm sinh học giải quyết tốt trong việc phòng bệnh nhưng không gây hại cho vật nuôi và lờn thuốc khi sử dụng kháng sinh. Trong các chế phẩm sinh học có lượng lớn vi sinh vật có khả năng tăng sinh, phát triển tốt lấn át các vi khuẩn gây bệnh, giúp vật nuôi hấp thu triệt để thức ăn, giảm bệnh chướng bụng khó tiêu, tiêu tốn thức ăn, giảm mùi hôi… Các chế phẩm sinh học hiện nay có nhiều nhóm khác nhau, mỗi nhóm có công dụng khác nhau, khi sử dụng nên chọn lựa nhóm thích hợp như nhóm chế phẩm cung cấp enzym (giúp tiêu hóa tốt, tăng trưởng), nhóm chứa hỗn hợp tế bào nấm men giúp tăng trưởng, có lợi cho đường ruột, vô hiệu hóa độc tố trong thức ăn, chuyển hóa thức ăn nhanh…
Trên thị trường hiện có hơn 200 chế phẩm sinh học dùng cho chăn nuôi, trong đó nhiều sản phẩm nước ngoài, sản phẩm không rõ nguồn gốc, giá cao. Sản phẩm trong nước tuy giá rẻ nhưng chất lượng thường không ổn định nên người tiêu dùng khó chọn lựa. Vì vậy, cơ quan chức năng cần công bố rõ danh mục các loại chế phẩm được phép lưu hành đến từng vùng để nông dân chọn lựa. PGS.TS. Lã Văn Kính, phó viện trưởng Viện KHKTNN miền Nam khuyến cáo, khi mua chế phẩm sinh học, người mua cần yêu cầu bên cung cấp cam kết chất lượng, nhất là không có chất cấm, chất độc để sử dụng hiệu quả trong chăn nuôi.
ANH ĐỨC